Kết quả tìm kiếm của bạn

6 dự án cao tốc đi qua TPHCM hiện tại và trong tương lai

Gửi bởi Casland trên 28 Tháng Mười, 2020
| 0

Hiện nay, có 6 dự án cao tốc đi qua TPHCM đã, đang và sắp được triển khai. Đó là các dự án nào và vai trò của từng tuyến ra sao? Cùng Casland tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Đường cao tốc là gì?

Theo điều 3 trong Quy chuẩn QCVN41:2016/BGTVT, đường cao tốc được giải thích như sau: 

“Đường cao tốc (ĐCT) là đường dành riêng cho xe ôtô và một số loại xe chuyên dùng được phép đi vào theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, có dải phân cách phân chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt mà dải phân cách này xe không đi được lên trên; không giao nhau cùng mức với một hoặc một số đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, đảm bảo giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.”

Như vậy, các tuyến cao tốc là một tuyến đường có kiểm soát lối vào, có quy định loại xe tham gia và không giao cắt với nhiều tuyến đường khác. Nhờ vậy, việc di chuyển trên đường cao tốc sẽ dễ dàng hơn và thời gian được rút ngắn hơn. 

6 dự án cao tốc đi qua TP.HCM hiện tại và trong tương lai

6 tuyến đường cao tốc đi qua tphcm

Đối với TPHCM, các dự án được xây dựng nhằm mục đích giảm ách tắc giao thông, đặc biệt là các cửa ngõ ra vào thành phố. Đồng thời, các tuyến đường này sẽ làm rút ngắn thời gian di chuyển tới các khu vực lân cận. Nhờ đó việc di chuyển, lưu thông hàng hóa trở nên thuận tiện, tiết kiệm công sức, thời gian và tiền bạc hơn. 

Hiện tại ở TPHCM có 6 dự án cao tốc quan trọng. Đó là: 

  • 2 dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng là cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và TPHCM – Trung Lương. 
  • 1 dự án đang được thi công là cao tốc Bến Lức – Long Thành.
  • 3 dự án chưa được thi công là cao tốc TPHCM – Mộc Bài, cao tốc vành đai 3 và cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. 

6 dự án cao tốc quan trọng đi qua TPHCM

Với mục đích giảm áp lực giao thông cho TPHCM và tăng kết nối vùng, 6 dự án cao tốc đi qua TPHCM đã, đang và sẽ được xây dựng. Dưới đây là một vài nét tổng quan về 6 dự án đó.  

#1. Cao tốc TPHCM – Trung Lương

Cao tốc TPHCM – Trung Lương là tuyến cao tốc đi qua TPHCM đầu tiên đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Cao tốc TPHCM – Trung Lương với điểm bắt đầu ở huyện Bình Chánh thuộc TPHCM, đi qua một số huyện của Long An và kết thúc tại huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang. Đây là tuyến cao tốc nhằm kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

Tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương có chiều dài là 61,9km, có quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa là 120km/h. Thời gian di chuyển từ TPHCM đến tỉnh Tiền Giang chỉ còn 30 phút thay vì 90 phút như trước đây. Tuyến đường có thể đáp ứng được 50.000 lượt xe mỗi ngày. 

Tuyến đường cao tốc tphcm trung lương

Tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương trong thực tế.

Tuyến đường đã được xây dựng hơn 10 năm, đưa vào sử dụng gần 8 năm mà chưa được trùng tu. Tuyến cao tốc đã có nhiều đoạn bị xuống cấp, hư hỏng gây cản trở giao thông. Theo Cục quản lý đường bộ IV – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các tuyến cao tốc của TPHCM, cao tốc TPHCM – Trung Lương sẽ sớm được tu sửa trong năm 2020. Tuyến cao tốc này có thể sẽ thu phí trở lại trong thời gian tới. 

#2. Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây

Tính đến năm 2020, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây là 1 trong 2 dự án cao tốc đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. 

Tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với chiều dài 55km có vai trò quan trọng về giao thông và phát triển kinh tế. Bởi vì tuyến đường này đi qua một số điểm quan trọng của TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Đó là quận 2 và quận 9 – tương lai trở thành thành phố phía Đông của TPHCM, giao với đường vành đai 3, sân bay quốc tế Long Thành và điểm cuối Dầu Giây – điểm đầu của 2 trọng điểm khác. 

Thêm nữa, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây là một phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam. Do vậy, không chỉ kết nối giữa TPHCM với tỉnh Đồng Nai, cao tốc này còn kết nối các tỉnh ĐBSCL với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 

Dường cao tốc tphcm Long Thành Dầu Giây

Cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với điểm giao với đại lộ Mai Chí Thọ quận 2 của TPHCM.

Kết nối tiếp với Đà Lạt, Phan Thiết và Vũng Tàu qua 3 đường cao tốc nữa

Trong tương lai, khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thành thì thời gian di chuyển từ TPHCM đến thành phố Bảo Lộc chỉ còn 2 tiếng, tới thành phố Đà Lạt khoảng 3 tiếng. Còn tuyến Dầu Giây – Phan Thiết sẽ giúp thời gian di chuyển từ TPHCM tới và thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) rút ngắn xuống còn 2 tiếng. Cao tốc TPHCM – Dầu Giây có một điểm giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Do vậy, thời gian đi từ Vũng Tàu tới TPHCM sẽ giảm đi đáng kể.

Theo thiết kế ban đầu, cao tốc sẽ có quy mô 4 làn đường, phục vụ cho 44.000 lượt xe mỗi ngày. Tuy nhiên, sau 5 năm đi vào hoạt động, tuyến đường đang bị quá tải với trung bình 52.000 lượt xe mỗi ngày. Do vậy, năm 2020, UBND TPHCM đã gửi đề xuất mở rộng tuyến đường lên Bộ GTVT. Trong thời gian tới cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ có một số nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. 

#3. Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Tính đến tháng 10/2020, Bến Lức – Long Thành là tuyến đường cao tốc đi qua TPHCM đang được thi công xây dựng. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 31.000 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ vốn ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). 

Dự án có chiều dài 57,9km bắt đầu từ huyện Bến Lức tỉnh Long An, đi qua huyện Cần Giờ, Bình Chánh và Nhà Bè của TPHCM, điểm cuối là huyện Long Thành của tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường sẽ giúp việc kết nối giữa các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ trở nên dễ dàng hơn. Thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn hơn. Đồng thời, tuyến đường sẽ làm giảm áp lực giao thông cho QL1A, QL51 đoạn qua TPHCM. 

Đường cao tốc Bến Lức TP HCM Long Thành

Cao tốc Bến Lức – Long Thành là tuyến cao tốc đi qua TPHCM đang được thi công. 

 

Cao tốc Bến Lức – Long Thành được khởi công xây dựng năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2021. Đến tháng 8/2020, khi hoàn thành được 80% khối lượng thì dự án bị tạm ngưng do thiếu vốn và gặp vấn đề giải phóng mặt bằng. Do vậy, thời gian hoàn thành được gia hạn đến năm 2023. 

#4. Cao tốc vành đai 3 TPHCM

Đường cao tốc vành đai 3 có chiều dài 98,98km.  Dự án cao tốc vành đai 3 được Chính phủ duyệt năm 2011 với tổng vốn đầu tư là 35.600 tỷ đồng từ nguồn ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế.

Tính đến năm 2020, tuyến đường mới hoàn thành và đưa vào hoạt động được 16,7km đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Đoạn này chiếm 17,92% dự án. Phần còn lại của dự án vẫn án binh bất động do vướng vấn đề về vốn đầu tư.

cao tốc vành đai 3 tpchm

Bản đồ cao tốc vành đai 3 TPHCM.

 

Dự án cao tốc vành đai 3 đi qua 4 tỉnh thành là TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương tạo thành một vòng cung bao quanh TPHCM. Trong tương lai, khi vành đai 3 và cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thiện, sẽ tạo nên một vòng khép kín bao quanh TPHCM. 

Nhờ vậy, việc di chuyển giữa các tỉnh Nam Bộ trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn. Bởi vì, người dân không bắt buộc phải đi ngang qua TPHCM qua QL1A hay QL51 như hiện nay. Việc này cũng sẽ giúp TPHCM giảm được tình trạng giao thông, đặc biệt là khu vực cửa ngõ đi vào thành phố. 

#5. Cao tốc TPHCM – Mộc Bài

Tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài có chiều dài 53,5km kết nối TPHCM tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) dự kiến được khởi công vào năm 2021. Dự án có tổng vốn đầu tư là 13.614 tỷ đồng. Dự kiến nguồn vốn sẽ được huy động theo phương thức PPP với hợp đồng BOT cộng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. 

Cao tốc TPHCM – Mộc Bài sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, cao tốc sẽ có quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 sẽ được nâng cấp lên từ 6 – 8 làn xe. 

Khi đi vào sử dụng, tuyến cao tốc sẽ kết nối các cảng biển, sân bay và các khu kinh tế trọng điểm phía Nam tới cửa khẩu Mộc Bài. Nhờ đó, việc giao thương với các nước trong Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan trở nên thuận tiện hơn. Chi phí vận chuyển và hàng hóa sẽ giảm xuống. 

Đường cao tốc tphcm mộc bài

Bản đồ tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài dự kiến khởi công năm 2021.

Thêm nữa, cao tốc TPHCM – Mộc Bài sẽ làm giảm áp lực giao thông cho QL22. Hiện nay, QL22 là tuyến đường duy nhất nối TPHCM tới khu vực cửa khẩu. Đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển cho các khu công nghiệp chế xuất và khu vực cửa khẩu Mộc Bài. 

#6. Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

Dự án cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài là 69km với tổng vốn đầu tư là 24.150 tỷ đồng. Hiện tại dự án đang nằm trên giấy. Theo báo Thanh niên đăng ngày 9/7/2020, tỉnh Bình Phước kiến nghị Chủ tịch Quốc Hội Trần Thị Kim Ngân sớm chấp thuận việc triển khai xây dựng cao tốc. 

Chơn Thành là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Phước cách TPHCM 80km. Đây là một huyện có hội tụ nhiều yếu tố phát triển công nghiệp như địa hình bằng phẳng, có QL13 và QL14 đi qua. Tỉnh Bình Phước đang cố gắng đưa Chơn Thành trở thành đô thị công nghiệp của tỉnh. 

Vì vậy, khi tuyến cao tốc hoàn thành, việc vận chuyển hàng hóa hay vật liệu từ các cảng biển TPHCM, Đồng Nai lên Bình Dương, Bình Phước sẽ thuận tiện hơn. Cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ giúp kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên. Điều này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế giao thương cho các khu vực tuyến đường đi qua. 

Đường cao tốc tphcm chơn thành

Huyện Chơn Thành có nhiều khu công nghiệp thu hút nhiều nhà đầu tư tới tỉnh Bình Phước hiện nay.  

Kết lại:

Xây dựng cao tốc là việc quan trọng và cấp thiết đối với sự phát triển của các thành phố lớn. Khi 6 dự án này được hoàn thiện sẽ tạo nên một mạng lưới hạ tầng hiện đại cho TPHCM.

Người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn về nơi sinh sống vì lúc này thời gian di chuyển đã được rút ngắn xuống. Bất động sản chắc chắn là ngành được hưởng lợi từ các dự án này. Theo dõi thêm các bài viết chi tiết về các tuyến cao tốc để có cái nhìn tổng quan về từng dự án nhé!

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

So sánh các bảng liệt kê

nhận báo giá & bộ tài liệu
nhận báo giá & bộ tài liệu
0924727777